Mắt lé không chỉ là một bệnh lý ảnh hưởng đến vấn đề về thẩm mỹ mà còn khiến cho sức khỏe và khả năng của bệnh nhân bị giảm sút. Căn bệnh này sẽ không loại trừ bất kỳ ai, kể cả người lớn lẫn trẻ em. Vậy vì sao mắt bé bị lé? Ba mẹ nên làm gì để giúp bé khỏi bệnh? Tất cả câu trả lời chi tiết sẽ có trong bài viết dưới đây.
Đừng bỏ lỡ bài viết: Ba mẹ làm gì để phòng tránh bé bị thủy đậu
1. Mắt lé là gì?
Chắc hẳn, chúng ta đã nhiều lần nghe đến, thậm chí còn nhìn thấy hiện tượng mắt lé rồi đúng không? Thực ra, đây là hiện tượng đôi mắt thiếu hợp thị và mất cân bằng. Tức là, bình thường hai mắt sẽ có cấu tạo tự nhiên rất cân đối. Nhờ sự đối hợp vận động của hai cơ chéo và bốn cơ trục bám vào nhãn cầu.
Thế nhưng, bởi một lý do nào đó, khiến cho đôi mắt không thể cân bằng. Tầm nhìn không tập trung về một phía nên được gọi là lé hay lác mắt. Đây là bệnh lý thường xảy ra ở độ tuổi nhỏ. Có trường hợp lé ngay từ lúc mới lọt lòng.
Ít ai biết rằng, thực ra căn bệnh lé có 2 loại:
- Lé bẩm sinh, tức là xảy ra đối với trẻ sơ sinh – 1 tuổi.
- Lé hậu đắc, xuất hiện lúc bé 1-2 tuổi. Thậm chí, trường hợp muộn, có thể xuất hiện sau 2 tuổi.
Bệnh lé sẽ thể hiện các hình thái khác nhau, tùy theo tính chất. Có thể là lé chéo, lé trong, lé chụm chữ V, chữ A… Hoặc có thể xuất hiện ở 1 hoặc 2 mắt. Nếu do thần kinh chi phối, hiện tượng này sẽ xảy ra ở cả 2 mắt.

2. Nguyên nhân mắt bé bị lé?
Như đã nói, tình trạng mắt lé là hiện tượng mất cân bằng giữa 2 mắt của bé. Tình trạng này có thể xuất hiện từ lúc mới sinh ra hoặc trong giai đoạn từ 1-2 tuổi. Thậm chí muộn hơn.
Theo nhiều nghiên cứu mới nhất thì những nguyên nhân khiến cho mắt bé bị lé, đó chính là:
- Yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ hay người thân trong gia đình của trẻ bị lé thì cũng có khả năng cao là bé sẽ mắc phải căn bệnh này.
- Bé mắc các tật về mắt như loạn thị, cận thị, viễn thị. Cụ thể, viễn thị sẽ gây lé mắt vào trong còn cận thị thường gây lé mắt ngoài.
- Đôi mắt của trẻ bị chấn thương, sụp mí, nhiễm khuẩn hay đục thủy tinh thể…
- Các cơ vùng nhãn cầu – cấu tạo bên trong của đôi mắt gặp bất thường.
- Bé bị tổn thương não hay cơ quan thần kinh.

3. Làm cách nào để kiểm tra mắt bé có bị lé không?
Bạn có biết? Nếu phát hiện ra bệnh mắt lé ở bé càng sớm thì khả năng chữa trị càng thành công. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là ba mẹ nên kiểm tra sớm xem đôi mắt của bé nhà mình có vấn đề gì không?
Những dấu hiệu của bệnh lé mắt mà các bạn có thể nhận ra ngay ở bé, đó là nhìn vật ở chính diện phía trước nhưng vẫn phải liếc mắt. Hoặc khi nhìn bất kỳ thứ gì, cũng phải nheo mắt lại.
Bên cạnh đó, bố mẹ còn có thể kiểm tra bằng cách:
- Đưa cho bé một món đồ chơi mà trẻ thích. Quan sát kỹ xem, khi bé nhìn món đồ chơi ấy, đôi mắt có bị lệch sang một bên không? Nếu có thì có khả năng, trẻ đã bị lé.
- Đứng đối diện và nhìn thẳng vào đôi mắt của bé. Nếu bố mẹ thấy hai mắt nhìn mình không đối xứng thì rất có thể bé mắc phải bệnh lé.
Thông thường, mắt lé mà xảy ra đột ngột thì bé hay có kèm theo triệu chứng song thị (tức là nhìn đôi). Do đó, để giảm bớt triệu chứng này, bố mẹ nên để người trẻ nghiêng đầu về 1 bên. Khi ấy, dấu hiệu nhìn đôi sẽ giảm bớt nhưng rất có thể bé sẽ hay có xu hướng nghiêng đầu.
Ngoài ra, đối với những trường hợp lé nhẹ hay lé ẩn thì rất khó phát hiện. Vì vậy, khi thấy trẻ có các yếu tố nguy cơ cần kiểm tra định kỳ thì ba mẹ nên dẫn con đến các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín, chất lượng để được thăm khám và điều trị sớm.

4. Ba mẹ cần làm gì khi mắt bé bị lé?
Có thể nói, điều trị bệnh lé là một quá trình khá phức tạp. Từ khám rồi phát hiện tình trạng nhược thị là hậu quả hay nguyên nhân của lé…
Bởi vậy, tốt nhất là ba mẹ nếu thấy có dấu hiệu lé mắt thì nên đưa bé đi khám sớm. Vì như đã nói, chữa trị càng sớm, trẻ sẽ càng có cơ hội khỏi bệnh. Cụ thể, nếu chữa mắt lé trước 3 tuổi, tỷ lệ thành công là 92%. Từ 6-8 tuổi, thành công khoảng 62%. Còn để lâu, đôi mắt của bé sẽ thành tật và khả năng phục hồi cực kỳ kém.
Trong quá trình chữa trị, bác sĩ có thể băng kín bên mắt không bị tật để giúp bé rèn luyện theo hướng nhìn bên mắt còn lại. Hoặc cách khác là bác sĩ sẽ chỉ định cho bé đeo 1 loại kính đặc biệt. Mục đích là để chỉnh hướng nhìn cho bé. Rồi bác sĩ sẽ tiến hành thêm một cuộc phẫu thuật nhỏ.
Nên nhớ rằng, phương pháp bịt mắt khi chữa lé mắt cho trẻ phải được sự chỉ định của bác sĩ. Ba mẹ không nên tự ý làm. Vì tùy theo tình trạng bệnh, trẻ có thể sẽ được bác sĩ chỉ định bịt mắt bằng thuốc, bằng miếng vải hay bằng kính… Rồi theo phương pháp bịt cách quãng hay thường xuyên…

Phía trên là toàn bộ những thông tin tổng hợp chi tiết về căn bệnh mắt lé. Hy vọng sẽ giúp các ba mẹ giải quyết được vấn đề cần làm gì khi mắt bé bị lé. Mong rằng, các bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức mới mẻ để chăm sóc con yêu một cách tốt nhất. Chúc các bé luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn!