Bạn có biết? Từ khi sinh con ra và chăm sóc bé là một điều cực kỳ khó khăn, vất vả. Bất kỳ một sự thay đổi nhỏ của con cũng có thể khiến cho bố mẹ lo lắng. Ví dụ như tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng thường gặp và rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đó có thể là một biểu hiện sinh lý bình thường hoặc cũng có thể tiềm ẩn một bệnh lý nào đó. Muốn biết thêm thông tin cũng như cách xử lý tình trạng này, các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
1. Nôn trớ là gì? Các triệu chứng
Chắc hẳn nhiều người đã quen thuộc với những động từ nôn, trớ nhưng lại không biết rõ ràng là gì. Thực ra, nôn chính là hiện tượng các chất có trong dạ dày bị đẩy ngược qua miệng do các động tác gắng sức của cơ thể. Còn trớ thường xảy ra khi bé ăn no, sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột thì sẽ bị sữa trào ra khỏi miệng.
Tình trạng nôn trớ là một trong những biểu hiện bất thường của trẻ khi bú. Hậu quả là thức ăn sẽ bị trào ngược từ dạ dày qua miệng.
Đừng bỏ lỡ: Hướng dẫn chăm sóc bé sơ sinh mùa hè đúng cách

2. Cách chăm sóc bé khi bị nôn trớ
Khi trẻ bị nôn trớ, chắc hẳn các ông bố bà mẹ đều cảm thấy vô cùng lo lắng, không biết nên làm thế nào?
Dưới đây là những bước chăm sóc bé tốt nhất mà bố mẹ có thể áp dụng.
Bước 1
Phải nghiêng đầu bé sang 1 bên để không bị sặc chất nôn. Tiếp theo, hãy nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng và mũi của trẻ (miệng trước, mũi sau). Bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay để luồn hết chất nôn trong mồm bé ra ngoài.
Bước 2
Hơi khum chụm tay lại rồi vỗ nhẹ 2 bên lưng nhằm trấn an bé. Đồng thời giúp trẻ bật ra những chất nôn vẫn còn ở trong họng.
Bước 3:
Lấy 1 chậu nước ấm, lau cổ và người. Thay quần áo mới cho trẻ.
Bước 4:
Đợi đến khi bé đã hết cơn nôn trớ thì cho bé uống từng thìa nước ấm hoặc ORS. Từ từ cho trẻ bú sữa mẹ hoặc bú bình. Sau đó ru trẻ vào giấc ngủ.
Bước 5:
Theo dõi và để ý bé để thấy dấu hiệu nôn trớ tiếp theo.
Lưu ý: Tuyệt đối không được cho em bé sử dụng các loại thuốc có tác dụng chống nôn khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi nếu bạn không biết cách sử dụng, có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

3. Hướng dẫn cách phòng tránh nôn trớ cho bé
Để giảm bớt tình trạng nôn trớ cho trẻ, các bậc phụ huynh nên thay đổi cách cho ăn. Đồng thời lưu ý một số vấn đề trong sinh hoạt cho bé và gia đình. Cụ thể như sau:
Chia nhỏ khẩu phần cho bé
Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non nớt và có dung tích nhỏ hơn so với bé lớn. Do đó, để tránh tình trạng bị trớ, mẹ nên cho bé bú nhiều lần thay vì cho bú quá nhiều trong 1 lần. Đồng thời, mỗi lần giảm bớt lượng sữa một chút để trẻ tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn.
Không nên để bé nằm xuống ngay sau khi bú sữa
Nguyên nhân là do trẻ sơ sinh rất dễ nuốt hơi vào trong khi đang bú mẹ. Nếu lúc này, mẹ cho bé nằm ngay thì tình trạng nôn trớ rất dễ xảy ra. Vì vậy, bố mẹ nhớ không nên cho bé nằm ngay sau khi ăn xong. Mà tốt nhất, hãy tìm cách vỗ ợ hơi để “giải thoát” bớt lượng khí thừa, tránh làm trẻ bị đầy bụng, khó tiêu.
Cho bé bú đúng cách
Tư thế cho bé bú sai cách cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh mà không phải ai cũng biết. Nhất là đối với những bé bú mẹ, nếu lượng sữa mẹ cho bé bú nhiều hơn lượng sữa miệng bé có thể nuốt mỗi lần thì có thể khiến cho thực phẩm trong dạ dày bị trào lên và khiến trẻ bị nôn trớ.
Tương tự, đối với những bé bú bình không đúng cách thì sẽ lại “hút” vào cùng lúc một lượng khí thừa đáng kể, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của bé.
Do đó, để tránh tình trạng này, mỗi lần các mẹ nên cho bé bú từ từ và không nên để bé ăn quá no. Nếu trẻ bú bình thì nên giữ bình sữa nghiêng 1 góc 45 độ sao cho sữa luôn ngập trong cổ bình. Và không để khí len lỏi vào được dạ dày của trẻ.

Tư thế ngủ đúng cho bé
Không chỉ tư thế bú mà tư thế ngủ đúng cách cũng giúp trẻ ngủ ngon hơn. Từ đó, cũng cải thiện phần nào nguy cơ bị trào ngược. Các mẹ có thể nâng đầu nằm của trẻ lên cao một góc 30 độ. Chính độ nghiêng này sẽ giúp thực phẩm có trong dạ dày không bị trào ngược lên trong khoảng thời gian bé ngủ.
Nói “không” với khói thuốc
Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ sơ sinh mà khói thuốc lá còn là một trong những nguyên nhân khiến bé tăng tiết axit trong dạ dày nhiều hơn. Dẫn đến tình trạng nôn trớ. Do đó, các bậc phụ huynh nên cố gắng hạn chế và tuyệt đối không cho bé tiếp xúc với môi trường khói thuốc.
Bổ sung canxi cho bé
Ít ai biết rằng, tình trạng nôn trớ thường đi kèm với triệu chứng vặn mình, khó ngủ mỗi đêm. Đây có thể là dấu hiệu bé thiếu lượng canxi cần thiết trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Vì thế, trong trường hợp này, bạn nên bổ sung canxi đầy đủ cho trẻ.

Có thể nói, nôn trớ thường rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp thì giúp các bố mẹ chăm sóc bé yêu một cách tốt nhất. Chúc các bố mẹ thành công!