Thời gian trôi thật nhanh, thoắt cái bé yêu đã được 6 tháng tuổi. Bây giờ, trẻ không còn là “con búp bê” bé xíu có thể ẵm gọn trên bàn tay mà đã lớn hơn rất nhiều. Biết mỉm cười với mẹ, biết bập bẹ theo giọng điệu mẹ hoặc có thể cầm nắm mọi vật xung quanh… Với những thay đổi nhanh như vậy thì các mẹ cũng cần phải biết cách chăm sóc em bé 6 tháng tuổi thật tốt nhé!
1. Sự phát triển của bé ở 6 tháng tuổi
Như đã nói, 6 tháng tuổi, trẻ sẽ có những phát triển vượt bậc về mọi mặt. Cụ thể:
1.1 Trí thông minh
Thị lực và cảm quan của bé đã phát triển đủ để quan sát dễ dàng những vật chuyển động nhanh và những hình ảnh phức tạp hơn. Bé sẽ biết quan sát thật kỹ các món đồ trước khi đưa chúng vào miệng.
1.2. Kỹ năng vận động
Bé đã có thể ngồi mà không cần tựa. Khi nằm bé có thể lăn từ bên này sang bên kia. Bên cạnh đó, bé có thể chỉ tay vào đồ vật hay cầm, nhặt những vật nhỏ hơn. Ngoài ra, nhiều trẻ đã có thể đứng tựa vào tường. Hoặc tự cầm muỗng, cho ít thức ăn vào miệng… Các mẹ cần ghi nhớ kỹ điều này để chăm sóc em bé 6 tháng tuổi thật an toàn và khỏe mạnh.

1.3. Kỹ năng giao tiếp
Bé đã có thể phát triển khả năng phát âm kết hợp giữa nguyên âm và phụ âm. Ví dụ như “m-a” hoặc “b-a-a”. Đặc biệt, trẻ có thể nhại lại tương đồng một đoạn hội thoại nên mẹ sẽ có cảm giác bé đang trò chuyện cùng mình. Vì thế, mẹ hãy kể lại các hoạt động trong ngày. Hoặc đọc truyện cho bé nghe để khuyến khích bé sớm biết nói cũng như xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ nhuần nhuyễn trong tương lai.
1.4. Cảm xúc
Bé ngày càng chú tâm đến những thứ yêu thích – nhất là mẹ. Khi phấn khích, bé có thể la hét, cười vang hoặc vẫy tay để chia sẻ cảm xúc với mẹ. Hãy cố gắng tương tác với bé. Bởi vì cách mà mẹ đáp trả sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái và an toàn hơn. Bé sẽ tỏ ra thích thú một số trò chơi nhỏ và gần như đoán trước được trò đó sẽ diễn ra tiếp theo như thế nào. Nhưng đừng kéo dài trò chơi quá lâu, nếu không bé sẽ tỏ ra cáu kỉnh đấy.
1.5. Phát triển thể chất
Một trong những vấn đề mẹ cần biết để chăm sóc em bé 6 tháng tuổi tốt nhất chính là thể chất.
Lúc này, cân nặng của bé đã tăng hơn gấp đôi so với khi chào đời. Mỗi ngày bé tăng khoảng 28 gram. Trung bình ở thời điểm 6 tháng tuổi, bé trai sẽ nặng khoảng 7,9kg còn bé gái nặng 7,3kg. Đầu bé vẫn khá to nhưng đã cân xứng hơn lúc mới sinh rồi.

2. Bí quyết chăm sóc em bé 6 tháng tuổi
Để có thể chăm sóc em bé 6 tháng tuổi một cách tốt nhất thì các mẹ đừng nên bỏ qua những bí quyết dưới đây.
2.1. Chăm sóc em bé 6 tháng tuổi bằng cách giúp bé phát triển thể chất
- Đây có thể là lúc bé được mẹ cho ăn dặm. Một trong những món ăn dặm đầu tiên của bé là bột ngũ cốc, có thể cung cấp lượng sắt dồi dào. Mẹ cũng có thể cho bé ăn những trái cây mềm như chuối chín, bơ chín, khoai lang…
- Mẹ chỉ nên tập cho bé quen dần với một loại thức ăn mới trong vài ngày. Sau đó đổi qua loại thức ăn mới khác. Nên cho bé ăn ít trong lần đầu rồi từ từ tăng dần vào những ngày sau.
- Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ – thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vì trong sữa mẹ có chứa sữa non (colostrum) tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
- Hãy cho bé bú sữa trước, rồi mới bắt đầu ăn thức ăn dặm.
- Bé vẫn cần 3 giấc ngủ, kéo dài khoảng 1-3 tiếng vào ban ngày và 10 tiếng vào ban đêm. Các mẹ hãy chú ý thay đổi tư thế cho bé nhiều lần khi ngủ. Đừng để bé giữ nguyên tư thế trong thời gian dài.

2.2.Chăm sóc em bé 6 tháng tuổi bằng cách giữ cho bé được an toàn
- Đừng nên quá cứng nhắc trong vấn đề giữ vệ sinh cho bé. Hoặc quyết liệt không cho ngậm bất cứ thứ gì vào miệng. Vì đó có thể là khả năng tìm tòi, khám phá của bé cơ mà.
- Chăm sóc em bé 6 tháng tuổi thì cá mẹ đừng quên, tháng này bé đã đến ngày tiêm mũi chủng ngừa thứ 3. Do đó, mẹ hãy nên nhớ hẹn lịch chích ngừa cho bé. Hoặc tìm hiểu địa điểm có dịch vụ tiêm ngừa miễn phí cho bé.
- Đi khám bác sĩ ngay nếu mẹ cảm thấy bé không khỏe. Những dấu hiệu cho thấy bé không được khỏe là bé thay đổi lượng ăn uống, tăng nhiệt độ cơ thể, phát ban đỏ, nôn ói hay bé tỏ ra khó chịu, quấy khóc.
- Tháng này bé có thể mọc răng nên mẹ hãy kiểm tra lợi của bé để xem có gì khác thường không nhé! Chiếc răng đầu tiên xuất hiện thường là răng cửa hàm dưới. Khi bé đã có 1, 2 chiếc răng, mẹ hãy chú ý chăm sóc vệ sinh răng cho bé bằng một chiếc bàn chải thật mềm. Cũng đừng quên vệ sinh miệng lưỡi cho trẻ vì có thể đóng bợn sữa làm bé lười ăn.

2.3.Chăm sóc em bé 6 tháng tuổi bằng cách chơi và giao tiếp với bé
- Mẹ có thể dẫn bé tham gia các hoạt động xã hội. Đơn giản như cùng các ông bố, bà mẹ khác đẩy con đi dạo…
- Mẹ không phải ở bên cạnh chơi với con suốt cả ngày. Bé cũng cần có những khoảng thời gian yên tĩnh và thư giãn ở một mình. Tạo cơ hội để bé tự tìm niềm vui cho mình sẽ giúp bé hình thành kỹ năng sống quan trọng sau này.
- Nên tạo thói quen đọc sách cho bé mỗi tối, hãy bắt đầu từ bây giờ. Hãy quan sát khuôn mặt bé khi mẹ chỉ cho bé những hình ảnh sống động hay những cảnh quen thuộc.
- Cần phải để ý kỹ những phản ứng hay tâm trạng của bé để ngưng trò chơi và chuyển sang hoạt động khác. Chính cách ứng xử của mẹ dành cho bé sẽ là bài học đầu đời để bé biết chia sẻ và thấu hiểu khi giao tiếp với mọi người.

Mặc dù biết không dễ dàng gì nhưng các mẹ hãy cố gắng tận dụng thời gian bên con. Hãy biết cách chăm sóc em bé 6 tháng tuổi thật tốt nhé. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho mọi người.